Tác động của con người Hệ động vật châu Á

Trên khắp châu Á, các quần thể và môi trường sống của động vật hoang dã đang bị tàn phá do hoạt động khai thác công nghiệp và nông nghiệp được kiểm soát kém, do phát triển cơ sở hạ tầng (xây dựng đập, đập thủy điện, đường giao thông và các cơ sở du lịch), và các hoạt động bất hợp pháp như săn trộm, buôn bán động vật hoang dã và trộm gỗ. Kết quả là mất đa dạng sinh học và mất sinh kế. Đông Nam Á có tỷ lệ phá rừng tương đối cao nhất so với bất kỳ khu vực nhiệt đới lớn nào, và có thể mất 3/4 rừng nguyên sinh vào năm 2100 và lên tới 42% đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học của khu vực Đông Nam Á được cho là bị đe dọa nhiều nhất, với một số tỷ lệ mất rừng cao nhất kết hợp với áp lực săn bắn nghiêm trọng và nhiều mối đe dọa khác.

Văn hóa sử dụng động vật hoang dã bừa bãi (thích ăn thịt rừng khoái khẩu, đặc sản) kết hợp với đói nghèo, gia tăng dân số và phát triển kinh tế nhanh chóng đã tạo ra một làn sóng áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc đang làm căng thẳng nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên trong toàn khu vực vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã có quy mô quá lớn, là cối xay thịt cho số phận của các động vật hoang dã trong đó gây áp lực trực tiếp lên hệ động vật của các nước Đông Nam Á là nguồn cung phụng quan trọng cho thị trường Trung Quốc.

Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) khuyến cáo Chính phủ các quốc gia Châu Á phải có kế hoạch hành động nhằm bảo vệ các loài động vật đang nằm trong danh sách bảo tồn. Các loài này gồm hổ, đười ươi, cá da trơn Mekong khổng lồ, tê giác Châu Á, rùa sông Châu Á khổng lồ và kền kền Châu Á. WCS đang hối thúc Chính phủ các nước làm theo khẩu hiệu “3 R” là: công nhận (recognition), trách nhiệm (responsibility) và phục hồi (recovery). Mặc dù mỗi loài động vật Châu Á trong danh sách phải đối mặt với những thách thức từ nhiều nhân tố khác nhau như mất môi trường sống, săn bắt và buôn bán trái phép, Chính phủ các quốc gia Châu Á đều có khả năng và phương tiện tài chính để tránh được nguy cơ tuyệt chủng. Thời gian đã không còn đối với một số loài động vật hoang dã của Châu Á, điển hình là hai loài động vật có vú – bò xám, một loài gia súc hoang dã được phát hiện ở Đông Nam Á, và cá heo nước ngọt Trung Quốc đã tuyệt chủng.